Khái quát Tá_lĩnh

Từ xã hội xưa của người Nữ Chân, hình thành nên chế độ ["Binh nông hợp nhất"; 兵农合一]. Sách Mãn Châu thực lục ghi lại, khi người Mãn săn thú, đem mỗi 10 người biên làm một Tiểu tổ, mỗi tổ ấy lại tuyển ra một thủ lĩnh, còn 9 người kia đều phải đưa một mũi tên cho thủ lĩnh, các Tiểu tổ ấy xưng gọi ["Ngưu lục"] - trong Mãn văn ý là "Đại tiễn"[1]. Từ đó, "Ngưu lục" trở thành một đơn vị cơ bản trong quân đội người Mãn Châu, thủ lĩnh gọi ["Ngạch chân"].

Năm Vạn Lịch thứ 11 (1583), Nỗ Nhĩ Cáp Xích vì đẩy mạnh quân sự Kiến Châu Nữ Chân, khuếch trương chế độ Ngưu lục, gia tăng thêm hình phạt và nâng cao kỷ luật. Hễ khi các bộ Nữ Chân lân cận quy phục, cũng theo lệ mà đem biên thành Ngưu lục. Chế độ Ngưu lục theo đó ngày càng cải biên, không chỉ số lượng, mà còn như một dạng sổ định hộ khẩu dân số của người Mãn Châu, cứ 300 người (hay hộ) làm thành Ngưu lục. Sau khi chế độ Bát kỳ hình thành, toàn bộ 8 kỳ đều có Ngưu lục, tùy vào biên chế mà nhiều hay ít.

Năm Thuận Trị thứ 17 (1660), Ngưu lục trong hán văn dịch thành "Tá", do đó Ngưu lục ngạch chân dịch thành ["Tá lĩnh"], lâu dần thì cụm từ Ngưu lục chỉ đơn vị hộ khẩu cũng đổi hết thành Tá lĩnh, và Tá lĩnh đồng thời cũng là tên chức quan hàm Tứ phẩm quản hạt Tá lĩnh ấy. Tá lĩnh của Mãn Châu kỳ phân, suốt thời Thanh có 319 cái, trong đó có 14 cái Bán phân. Tá lĩnh của Mông Cổ là 130 cái, Hán Quân là 206 cái, trong đó Bán phân của cả hai Kỳ phân này là ba cái. Bát kỳ Tá lĩnh tổng cộng thống kê có 664 cái.